Lượt xem: 905

Sóc Trăng với công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội và định hướng tuyên truyền trên báo chí, mạng xã hội

Nghiên cứu và nắm bắt dư luận xã hội là một hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng và đề ra các chủ trương, chính sách của các cơ quan lãnh đạo, quản lý xã hội. Để có được những quyết sách đúng đắn, các cơ quan lãnh đạo, quản lý cần nắm chắc được tâm trạng, suy nghĩ, nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân để quyết định chủ trương, đường lối đúng đắn.

    Hiện nay, việc các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không ngừng từ bỏ âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước ta bằng chiến lược “Diễn biến hoà bình”. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet, mạng xã hội và các loại báo điện tử thì việc nắm bắt thông tin từ dư luận xã hội, định hướng tuyên truyền trên báo chí và mạng xã hội nhằm đảm bảo ổn định về tư tưởng, vun đắp niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Và yêu cầu, nhiệm vụ đó là công việc của đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo của Đảng.


Định kỳ hằng tháng tổ chức Hội nghị giao ban báo chí và định hướng công tác tuyên truyền góp phần định hướng dư luận trong xã hội. Nguồn baosoctrang.org.vn

    Từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Thường trực Tỉnh ủy, những năm qua, ngành Tuyên giáo Sóc Trăng đã không ngừng nỗ lực để đạt được những kết quả quan trọng trong công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội và định hướng tuyên truyền trên báo chí và mạng xã hội, cụ thể như sau:

    Thứ nhất, trên cơ sở Kết luận số 100-KL/TW ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng đã nghiêm túc quán triệt, triển khai, thực hiện bằng những việc làm thiết thực, cụ thể và qua các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong toàn ngành. Đến nay, mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội được bao phủ từ tỉnh đến huyện, với 295 đồng chí là cộng tác viên dư luận xã hội các cấp; trong đó cấp tỉnh là 35 đồng chí và cấp huyện là 260 đồng chí - đây là lực lượng nòng cốt đại diện cho các ngành, đoàn thể và các giai tầng trong xã hội.

    Thứ hai, trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, một số vấn đề mới phát sinh và hoạt động chống phá, kích động, gây rối của một số đối tượng xấu, ngành Tuyên giáo đã nhanh chóng thực hiện những đổi mới về nội dung, phương thức trong việc nắm bắt, nghiên cứu, định hướng dư luận xã hội, cụ thể như: Nắm thông tin về diễn biến phức tạp trong việc phản đối dự thảo Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng; vấn đề BOT; vấn đề tiền lương cho công nhân; vấn đề ô nhiễm môi trường; vấn đề đất đai; vấn đề đền bù trong các công trình, dự án; vấn đề trong công tác cán bộ; vấn đề chỉnh trang đô thị, các công trình, dự án; vấn đề dịch bệnh, mà gần đây là Covid-19… Từ sự nhạy bén đó, đã góp phần giúp cấp ủy chỉ đạo công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội nên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không có xảy ra tình trạng tập trung đông người gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng, tạo ra bất ổn cho xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

    Thứ ba, trong nhiệm kỳ qua đã tổ chức 06 cuộc điều tra dư luận xã hội với số lượng hơn 10 nghìn phiếu, về các nội dung: Tư tưởng của cán bộ, đảng viên; về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; về xây dựng nông thôn mới; cải cách hành chính... Kết quả của các cuộc điều tra dư luận xã hội là những thông tin có giá trị, đáng tin cậy, giúp các cấp ủy đảng nắm sâu thực trạng, nguyên nhân, vấn đề tư tưởng trong Nhân dân để có căn cứ khoa học cho việc ban hành các văn bản chỉ đạo cũng như đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của tỉnh được chính xác, thiết thực, kịp thời và hiệu quả.

    Thứ tư, Ban Tuyên giáo định hướng các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Theo đó, Báo Sóc Trăng, Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng đã thực hiện đa dạng các ấn phẩm, sản phẩm để nâng cao chất lượng công tác tuyền truyền, trong đó phải kể đến là: Báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, báo mạng với nhiều chuyên trang, chuyên mục đa dạng, phong phú đã góp phần tuyên truyền về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành, các cơ quan, địa phương và kịp thời lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến phản hồi của cán bộ, đảng viên và người dẫn về những vấn đề của tỉnh nhà.

    Thứ năm, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội và lực lượng của Ban Chỉ đạo 35 các cấp. Đặc biệt, với sự phát triển của mạng xã hội và sự chuyển hướng của các thế lực thù địch, phản động khi sử dụng mạng xã hội làm công cụ phát tán thông tin xấu độc, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kết hợp hình thức nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội thông qua đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội với hình thức nắm bắt dư luận xã hội thông qua mạng xã hội từ lực lượng tham gia công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Từ đó đã kịp thời tiếp nhận, cung cấp, phản hồi, trao đổi thông tin, giải đáp các vấn đề dư luận quan tâm, bức xúc, góp phần giúp các cấp ủy kịp thời định hướng dư luận xã hội trên địa bàn.

    Tuy có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả tích cực, song công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Việc nắm bắt dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời, còn chậm trong việc nắm bắt những vấn đề quan trọng, những diễn biến mới. Số lượng và hoạt động của Tổ cộng tác viên dư luận xã hội tại một số địa phương, đơn vị thường xuyên điều chỉnh, thay đổi. Cấp ủy, chính quyền một vài nơi chưa chỉ đạo sâu sát và quan tâm đúng mức về công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội trong lãnh đạo, quản lý. Cơ chế, điều kiện, phương thức hoạt động của các cơ quan, tổ chức cũng như năng lực, trình độ chuyên môn của một bộ phận cán bộ làm công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức chưa chặt chẽ và việc cung cấp thông tin có liên quan đến ngành, địa phương chưa được kịp thời.

    Căn cứ vào thực trạng của công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội và định hướng tuyên truyền trên báo chí và mạng xã hội trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo xác định cần phải tập trung vào công tác này bằng những giải pháp thiết thực, cụ thể, như sau:

    Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội. Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp cần nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, nhất là của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền; cần quan tâm, chỉ đạo, định hướng hoạt động, bố trí cán bộ có tâm huyết và các điều kiện đáp ứng yêu cầu công tác.

    Thứ hai, phối hợp và tăng cường tổ chức các cuộc điều tra dư luận xã hội về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực đời sống của Nhân dân hay các đề án, dự án dễ tạo tâm lý xã hội và được dư luận quan tâm nhằm góp phần tạo sự thống nhất trong xã hội.

    Thứ ba, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội và lực lượng Ban Chỉ đạo 35 các cấp nhằm thực hiện hài hòa việc nắm bắt dư luận xã hội bằng nhiều kênh. Đặc biệt, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Tổ xử lý khủng hoảng truyền thông để tham mưu lãnh đạo cấp ủy các cấp, các cơ quan liên quan có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc, dư luận quan tâm có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng truyền thông, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình  ảnh của tỉnh nhà. Đồng thời, cung cấp thông tin chính thống cho báo chí và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội để kịp thời tuyên truyền, điều hòa dư luận.

    Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trên báo chí và mạng xã hội bằng những loại hình đa dạng, với nội dung phong phú, thiết thực để kịp thời đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

    Thứ năm, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong công tác điều tra, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, nhất là trong việc trao đổi, cung cấp thông tin và quan điểm xử lý thông tin đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội để kịp thời chỉ đạo đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội định hướng và hình thành dư luận xã hội tích cực; tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

    Thứ sáu, chú trọng việc định hướng dư luận xã hội, kịp thời cung cấp thông tin chính thống trước những vấn đề mang tính thời sự nóng bỏng, nhạy cảm, nhất là trên lĩnh vực không gian mạng cho đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội để kịp thời tuyên truyền, tạo sự ổn định tình hình dư luận xã hội.

    Thứ bảy, định kỳ tổ chức tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn hoặc tổ chức các buổi tọa đàm về công tác nghiên cứu, nắm bắt, điều tra dư luận xã hội để cộng tác viên dư luận xã hội có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Cập nhật và cung cấp tài liệu nghiệp vụ kịp thời cho đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội các cấp. Đồng thời, tạo điều kiện, tăng số lượng thành viên của Tổ cộng tác viên dư luận xã hội rộng khắp các đơn vị cấp huyện và tương đương, cũng như tại một số địa bàn trọng điểm để đảm bảo việc nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội ở những nơi có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, họ đạo, công nhân, học sinh, sinh viên,… được kịp thời, đầy đủ hơn.

    Xã hội càng phát triển thì nhân tố “lòng dân” càng quan trọng. Mọi chủ trương, quyết sách của các cơ quan lãnh đạo, quản lý sẽ khó trở thành hiện thực nếu không hợp lòng dân, không được dân ủng hộ. Vì vậy, việc nắm tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nắm dư luận xã hội để kịp thời tuyên truyền trên báo chí và mạng xã hội nhằm lan tỏa những giá trị tích cực, nhân văn, những điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm tốt, những hành động đẹp sẽ vun bồi thêm niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân vào lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, tạo thêm động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới.

Lý Rotha - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 50
  • Hôm nay: 6767
  • Trong tuần: 77,474
  • Tất cả: 11,800,794